JCI là chữ viết tắt của “Joint Commission International, là tên của tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Mỹ có hoạt động mở rộng trên 80 quốc gia kể từ năm 1994. Tiêu chuẩn JCI lấy bệnh nhân làm trung tâm, tập trung đặc biệt vào sự an toàn, chất lượng chăm sóc y tế và hệ thống quản lý chất lượng. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn xem xét một cách toàn diện đến quyền và nghĩa vụ, giáo dục, truyền thông, tâm lý, văn hóa của cả bệnh nhân, thân nhân lẫn nhân viên y tế.
JCI là một phân nhánh quốc tế của tổ chức Joint Commission, đã làm việc với với các tổ chức chăm sóc sức khỏe, bộ y tế và các tổ chức toàn cầu trên 80 quốc gia từ năm 1994. Tháng 9 năm 2007, JCI được công nhận bởi International Society for Quality in Health Care (ISQua), cho thấy các tiêu chuẩn, các qui trình mà JCI sử dụng để khảo sát hoạt động của các tổ chức chăm sóc sức khỏe trên thế giới hoàn toàn đáp ứng các chuẩn so sánh quốc tế cao nhất. Bộ tiêu chuẩn JCI gồm 14 chương chức năng, 321 tiêu chuẩn và 1312 yếu tố đo lường.
Tại châu Á, rất nhiều bệnh viện đã được chứng nhận JCI : 15 bệnh viện ở Thái Lan, 07 ở Đài Loan, 22 ở Singapore, 03 ở Philippines, 06 ở Malaysia, 14 ở Ấn Độ…
Theo báo tiền phong.vn (15/12/2012) có đề cập đến bài viết:
Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ hạn chế được những rủi ro và sai sót trong y khoa khi Việt Nam có một hệ thống quản trị chất lượng bệnh viện tốt.Điều này cũng được mổ xẻ tại hội nghị “Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện” do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức mới đây.
Môi trường của… rủi ro Những rủi ro xảy ra trong y tế được xem như là một điều bắt buộc phải chấp nhận, có thể xảy ra bất cứ đâu. Các phương pháp điều trị nội và ngoại khoa, thậm chí là những chỉ định điều trị cho những căn bệnh đơn giản nhất cũng được y văn thế giới ghi nhận “có tỉ lệ tai biến nhất định”. Có thể nói y tế được xem là môi trường nguy cơ cao, bởi ở đó bệnh nhân luôn phải đối mặt với nhiều tai nạn không mong muốn. Rủi ro, sự cố có thể xảy ra khi bác sĩ gặp những ca cấp cứu khẩn cấp, những ca bệnh phức tạp hay bệnh nhân nhạy cảm khó tính, bệnh nhân mất nhận thức, không giao tiếp được… Quá tải bệnh nhân, quá tải trong chỉ định điều trị hay việc sử dụng những thiết bị xâm lấn hoặc các dịch, hóa chất và thuốc có tên gọi và hình thức giống nhau đều là các nguyên nhân có thể dẫn đến những sự cố, rủi ro cho bệnh nhân.
Quản lý nguy cơ tốt sẽ hạn chế tối đa những sự cố và rủi ro trong y tế Vẫn biết rủi ro trong y khoa là “luôn luôn rình rập” nhưng theo bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh – Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện FV thì việc quản lý chất lượng bệnh viện tốt sẽ giúp hạn chế những rủi ro không mong muốn này. Đặc biệt là các bệnh viện có xây dựng hệ thống quản lý sự cố và rủi ro để học tập và thực hiện cải tiến từ những sự cố, rủi ro cũng như ngăn chặn để sự cố, sai sót tương tự không xảy ra nữa. “Mục tiêu của quản lý chất lượng bệnh viện không chỉ giúp bệnh nhân được an toàn và hài lòng mà ngay cả chính nhân viên trong bệnh viện cũng được an toàn và hài lòng”- bác sĩ Linh nói. Theo đó, một khi nhân viên an toàn và hài lòng với môi trường làm việc thì họ sẽ toàn tâm toàn ý để đảm bảo cho sự an toàn và hài lòng của người bệnh được tốt nhất. Trên thế giới, bên cạnh chuẩn ISO, các bệnh viện quốc tế muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của mình đều cố gắng đạt được các chứng chỉ quản lý chất lượng dành riêng cho ngành y tế như Bộ Tiêu chuẩn HAS (Tổ chức Giám định Chất lượng Y tế, Pháp), Bộ Tiêu chuẩn JCI (Joint Comission International, Mỹ)…
Tại Việt Nam, từ khi mới thành lập, Bệnh viện FV cũng đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế này. Đáng chú ý nhất trong tiến trình nâng cao chất lượng tại Bệnh viện FV là việc xây dựng và ứng dụng thành công “Hệ thống quản lý sự cố rủi ro trực tuyến” - được xem là mô hình đầu tiên ở Việt Nam. Khi bất kì một sự cố nào xảy ra ở mọi khu vực trong bệnh viện, lập tức sự cố này được báo cáo vào hệ thống và báo cáo này sẽ được gởi đến quản lý bộ phận liên quan để có những hành động xử lý tức thời đồng thời báo cáo được gửi đến cho Phòng Quản lý Chất lượng để được đánh giá, phân loại, tiến hành điều tra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp khắc phục và ngăn chặn sự cố tiếp tục xảy ra. “Khi có sự cố rủi ro chúng tôi luôn cố gắng xác định đúng nguyên nhân và đưa ra các hoạt động cải tiến và biện pháp phòng tránh để không bao giờ sự việc tương tự lặp lại”- bác sĩ Linh nói. Ngoài “Hệ thống quản lý rủi ro trực tuyến”, Bệnh viện FV còn xây dựng hàng trăm quy trình và chương trình dựa theo chuẩn quốc tế JCI nhằm đảm bảo an toàn và hài lòng tối đa cho bệnh nhân như “Chương trình quản lý và xử trí than phiền của khách hàng”, “Kế hoạch giảm nguy cơ rủi ro”, “Kế hoạch phòng chống thảm họa thiên tai”… Quá trình xây dựng hệ thống các quy trình quản lý chất lượng bệnh viện tại FV đã được ghi nhận từ rất sớm khi Tổ chức Giám định Chất lượng Y tế - HAS công nhận FV là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt chứng nhận từ tổ chức này vào năm 2007. Không dừng lại ở đó, từ nhiều năm nay, tập thể Bệnh viện FV tiếp tục hoàn thiện và chuẩn hóa tất cả các quy trình hoạt động tại bệnh viện nhằm phấn đấu đạt được Chứng nhận chất lượng quốc tế JCI của Mỹ. |