Tiêu chuẩn ISO 26000 không những bổ sung giá trị cho công việc hiện tại về trách nhiệm xã hội mà còn mở rộng sự hiểu biết và thực thi trách nhiệm xã hội bằng cách: + Phát triển sự đồng thuận mang tính quốc tế về Trách nhiệm xã hội là gì và Trách nhiệm xã hội cho biết các tổ chức cần phải làm gì; + Đưa ra hướng dẫn về việc chuyển tải những nguyên tắc thành hành động có hiệu quả; + Điều chỉnh những thực hành tốt nhất đã thực hiện và phổ biến thông tin rộng khắp vì lợi ích của cộng đồng quốc tế * Vậy ISO 26000 là gì? ISO 26000 là một Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (gọi tắt là ISO) đưa ra hướng dẫn về trách nhiệm xã hội. Nó sẽ được áp dụng cho các tổ chức ở mọi loại hình, cả ở lĩnh vực công cộng lẫn tư nhân, tại các nước phát triển và đang phát triển, cũng như các nền kinh tế chuyển đổi. Nó sẽ hỗ trợ họ trong nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội theo yêu cầu ngày càng tăng của xã hội. ISO 26000 bao gồm hướng dẫn tự nguyện, không có các yêu cầu, và do đó nó không được sử dụng như một tiêu chuẩn chứng nhận giống như tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ISO 14001:2008. * Tại sao ISO 26000 lại quan trọng như thế? Hoạt động kinh doanh bền vững của các tổ chức có nghĩa không chỉ là việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà còn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo không gây nguy hại đến môi trường, mà hoạt động dựa trên trách nhiệm với xã hội. Áp lực phải thực hiện như vậy xuất phát từ khách hàng, người tiêu dùng, các chính phủ, các hiệp hội và công chúng một cách rộng khắp. Đồng thời, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn của các tổ chức nhận thấy rằng thành công lâu dài phải được xây dựng dựa trên những hoạt động kinh doanh đáng tin cậy và ngăn ngừa các hành vi như gian lận về kế toán và bóc lột lao động. Mặt khác, đã có một số những tuyên bố về nguyên tắc ở mức độ cao liên quan đến Trách nhiệm xã hội, cũng như những chương trình và sáng kiến cá nhân về Trách nhiệm xã hội. Thách thức đặt ra là làm thế nào để đưa những nguyên tắc đó trở thành hành động và làm cách nào để thực hiện Trách nhiệm xã hội một cách có hiệu quả khi mà việc hiểu rõ “Trách nhiệm xã hội là gì” vẫn còn có nhiều khái niệm khác nhau. Hơn nữa, những sáng kiến trước đây có xu hướng tập trung vào khái niệm “trách nhiệm xã hội đoàn thể”, trong khi Tiêu chuẩn ISO 26000 sẽ đưa ra hướng dẫn về Trách nhiệm xã hội không chỉ cho các tổ chức kinh doanh, mà còn cho cả các tổ chức thuộc lĩnh vực công cộng ở mọi loại hình. ISO 26000 chắt lọc sự hiểu biết có liên quan mang tính toàn cầu về trách nhiệm xã hội là gì và các tổ chức cần làm gì để thực hiện trách nhiệm xã hội. * ISO 26000 sẽ giúp các tổ chức như thế nào? ISO 26000 sẽ giúp các loại hình tổ chức – không phân biệt qui mô, hoạt động hay vị trí – thực hiện trách nhiệm xã hội bằng việc đưa ra hướng dẫn về: + Khái niệm, điều kiện và điều khoản liên quan đến trách nhiệm xã hội; + Nền tảng, xu hướng và đặc điểm của trách nhiệm xã hội; + Các nguyên tắc và thực hành liên quan đến trách nhiệm xã hội; + Các đối tượng và vấn đề cốt lõi liên quan đến trách nhiệm xã hội; + Tích hợp, thực hiện và thúc đẩy cách hành xử trách nhiệm xã hội thông qua tổ chức và các chính sách cũng như hoạt động của tổ chức trong phạm vi ảnh hưởng của nó; + Xác định và lôi cuốn sự tham gia của các bên liên quan; + Thông tin những cam kết, việc thực hiện và thông tin khác liên quan đến trách nhiệm xã hội. * ISO 26000 bao hàm những gì? Nội dung của ISO 26000 được cấu trúc như sau: · Lời mở đầu · Giới thiệu · 1 Phạm vi · 2 Điều khoản · 3 Hiểu biết về trách nhiệm xã hội · 4 Các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội · 5 Nhận biết về trách nhiệm xã hội và việc tham gia của các bên liên quan · 6 Hướng dẫn về các đối tượng chính của trách nhiệm xã hội · 7 Hướng dẫn về việc tích hợp trách nhiệm xã hội thông qua một tổ chức · Phụ lục A – Các ví dụ về những sáng kiến và công cụ mang tính tự nguyện về trách nhiệm xã hội · Phụ lục B – Các khái niệm viết tắt |