Có thể xem việc tổ chức hai hội nghị liên tiếp ở Hà Nội và TP.HCM trong hai tuần qua về tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và ban hành dự thảo bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2012 – 2013 là quyết tâm mạnh mẽ của bộ Y tế trong việc cải tổ hệ thống KCB của nước ta theo hướng nâng chất dịch vụ, mang lại sự hài lòng tối đa cho người bệnh.
Danh hiệu và thực chất
Ý tưởng thì rất hay, nhưng điều đọng lại sau hai hội nghị này là liệu bộ Y tế có đi vào thực chất hay không hay lại chỉ làm theo hình thức và phong trào để trấn an người dân trước nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực KCB hiện nay (quá tải, tai biến y khoa xuất hiện nhiều trên báo chí…) Có cơ sở để lo lắng, vì thật ra trong nhiều năm qua, hàng năm, bộ Y tế vẫn tổ chức đánh giá bệnh viện với những tiêu chí riêng. Trong năm 2011, dựa theo bộ tiêu chí này mà trong số 1.126 bệnh viện được kiểm tra, có đến 526 cơ sở đạt danh hiệu “bệnh viện xuất sắc toàn diện”.
Nghe “hoành tráng” như thế, nhưng giá trị của danh hiệu không cao, vì bản thân bộ Y tế cũng thừa nhận rằng các tiêu chí đánh giá không thật sự khách quan khi cho các bệnh viện tự đánh giá và thời gian để kiểm định độc lập (đoàn phúc tra của sở y tế địa phương hay bộ Y tế) chỉ vỏn vẹn có… hai ngày! Đúng là danh hiệu không có mấy giá trị vì thực tế nhiều con số đã nói ngược lại tất cả. Chẳng hạn, theo một điều tra năm 2009 – 2010 tại 742 bệnh viện các tuyến chỉ có 71,8% bệnh viện tỉnh và 40,8% bệnh viện huyện có khoa dinh dưỡng hoặc bộ phận dinh dưỡng. Dinh dưỡng cũng được xem là một cách trị liệu, đặc biệt đối với bệnh nhân nằm viện, vậy nếu không có khoa dinh dưỡng liệu chất lượng điều trị sẽ như thế nào? Một ví dụ khác là dù bộ Y tế đã có quy định các bệnh viện báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR: Adverse drug reactions) nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá việc thực hiện quy định này như thế nào. Một báo cáo cho thấy, trong năm 2011, tại các bệnh viện Việt Nam chỉ có 2,3 ADR/10.000 ca nhập viện. Một con số đáng ngờ vì ngay cả ở Hoa Kỳ, một quốc gia có nền y tế phát triển mà con số này đã được ghi nhận lên tới 670 ADR/10.000 ca nhập viện. Ngoài con số thống kê trên, nhiều quy định về báo cáo tử vong tại bệnh viện, tai biến truyền máu, tai biến thủ thuật và các tai biến khác cũng không được bệnh viện báo cáo đầy đủ. Vậy thử hỏi quản lý chất lượng và nâng cao chất lượng KCB như thế nào? Cần một tổ chức kiểm định độc lập Đáng buồn là trong nhiều năm qua việc quản lý chất lượng KCB không được thực hiện rộng khắp, theo hệ thống từ trên xuống dưới, mà chỉ tự phát tuỳ vào nhận thức của từng lãnh đạo bệnh viện. Trên cả nước, số bệnh viện có hội đồng quản lý chất lượng hay phòng quản lý chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện FV, bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp. Có dạo, nhiều bệnh viện nước ta rộ lên phong trào xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn ISO. Điều này cũng tốt, nhưng thực tế do không có hệ thống theo dõi đánh giá và tư vấn hỗ trợ nên nhiều bệnh viện không thể duy trì liên tục, lâm cảnh mất tiền xây dựng chuẩn ISO mà chẳng được gì. Và tính ra cho đến nay trong số hàng chục ngàn cơ sở KCB cả nước chỉ có một cơ sở đạt chuẩn quốc tế JCI (Joint Commission International) là bệnh viện Mắt Cao Thắng TP.HCM và một bệnh viện đạt chuẩn chất lượng Pháp HAS (Haute Autorité de Santé) là bệnh viện FV. Với việc ban hành bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2012 – 2013 lần này, bộ Y tế hy vọng sẽ giải quyết được nhiều bất cập trong quản lý chất lượng bệnh viện hiện nay vì nó được xem là công cụ để định lượng, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy định về chất lượng bệnh viện đã ban hành. Nhưng băn khoăn lớn nhất ở đây là việc đánh giá cũng làm theo cách cũ: giao cho chính bệnh viện làm rồi sau đó báo cáo về bộ Y tế để nơi này xếp hạng dù trên nguyên tắc các tiêu chí có thể được giám sát bởi sở y tế, bộ Y tế và cả người dân. Tự đánh giá liệu có bảo đảm khách quan hay không? Cơ quan chức năng giám sát liệu có dẫn đến chuyện nể nang và châm chước? Còn người dân giám sát thì liệu có bao nhiêu người bình thường hiểu được các phạm trù kỹ thuật như “chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh lý”, “kiểm soát nhiễm khuẩn” hay “xử lý rác thải an toàn”? Tại sao không hướng đến chuyện giao cho một cơ quan tổ chức kiểm định chất lượng độc lập trong nước đánh giá, cách làm mà nhiều nước đang phát triển đang thực hiện? Tại Thái Lan, việc đánh giá chất lượng bệnh viện được giao cho viện Đánh giá và cải tiến chất lượng bệnh viện (Institute of Hospital Quality Improvement and Accreditation); còn ở Malaysia, việc này được giao cho hội Chất lượng sức khoẻ Malaysia (Malaysian Society for Quality in Health), những cơ quan hoàn toàn độc lập. Cách đánh giá của những cơ quan này cũng khác, dựa vào phỏng vấn nhân viên bệnh viện, phỏng vấn bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, quan sát tại chỗ các dịch vụ hay việc chăm sóc bệnh nhân, xem xét hồ sơ bệnh án, đánh giá các kết quả bệnh viện hoàn thành được… TS.BS Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, có lý khi lo lắng: “Chỉ dừng ở bộ tiêu chí chất lượng thì chưa đủ. Trong tương lai, cần có một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập để đánh giá chất lượng bệnh viện, từ đó ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của các bệnh viện tương xứng với mức chất lượng được đánh giá”. Kinh nghiệm từ Thái Lan Trao đổi với BS Anuwat Supachutikul, giám đốc điều hành viện Thẩm định chất lượng y tế Thái Lan, ông cho biết, phong trào cải tiến chất lượng bệnh viện ở nước này xuất phát từ nhu cầu BHYT của người dân khi BHYT chỉ ký hợp đồng với những bệnh viện đạt chất lượng và chỉ thanh toán viện phí cho người bệnh nếu điều trị tại các bệnh viện đã được công nhận chất lượng. Do sức ép này, để được tồn tại, mọi cơ sở khám chữa bệnh ở Thái Lan phải đi theo xu thế nâng cao chất lượng. Để việc nâng cao chất lượng bệnh viện đi vào thực chất, có lẽ nước ta cũng phải thực hiện điều này. Ông Anuwat đã đưa ra bốn gợi ý cho cải thiện chất lượng bệnh viện ở Việt Nam là: biến công việc thành dễ dàng và vui vẻ cho mọi người, bước đi cùng nhau và không để lại ai ở phía sau, đừng vội phán xét thành công hay thất bại mà hãy trân trọng các giá trị ở giai đoạn đầu, nên sử dụng sự giúp đỡ và chia sẻ của đồng nghiệp.
Theo SGTT |